Quan niệm về thơ Xuân Thu nhã tập

Trong tác phẩm Xuân Thu nhã tập, điều đáng chú ý hơn cả, đó là những kiến giải độc đáo về thơ. Dưới đây là số luận điểm cơ bản được rút ra từ bài tiểu luận có nhan đề là Thơ của 3 cây bút nồng cốt là: Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh (kể từ đây gọi tắt là nhóm Xuân Thu).

  • Thơ là "một cái gì" không giải thích được, mà cũng không cần giải thích, và nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc.

Nhóm Xuân Thu viết:

"Người ta đã thử và chưa từng giải thích được thơ. Như Giai nhân, như Đẹp, như Trời. Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp Ta trong cái cái Đẹp và ấp ta trong cái Thật. Vẻ man mác của cái đẹp và ý sâu sắc của cái thật. Do trong trẻo gạn nên...Nó là cái gì không giải thích được, mà cũng không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc. Đột nhiên như ta…nhào vô lòng mẹ không cần xét suy".
  • Có rung động là có thơ. Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo...

Nhóm Xuân Thu viết:

-"Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần cái rung động ấy… Và điều kiện cần và đủ của cái rung động kia là: Siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng. Vậy, một vật chỉ là THƠ khi nào có rung động, và chỉ là Bài Thơ khi nào có truyền lan sự rung động ấy"...-"Trước khi thưởng thức hương, nhận chân sắc, dò hỏi trời, phân tích vui, trước khi dùng những phương thức lý trí, có ý thức, có hệ thống để phán đoán, để hiểu biết, ta đã chịu sự quyến rũ của mùi thơm, sự lan tràn của ý thích, ta đã cảm thấy đẹp, đạt được thật, đầm trong thơ, nát (niết) bàn nghệ thuật".-"Thơ chỉ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật. Vì thơ không phải như nghĩa tục, chỉ là một sự làm khoái tai, vừa ý, bằng cách khiêu động người ta thô sơ, dễ dãi. Thơ, trước hết là sự trong trẻo, sự vô tư lợi...và tự nó có nghĩa, có cứu cánh ở nó".-"Tính chất của thơ là hàm súc, tĩnh mạc, tổng hợp. Ngôn ngữ, cú pháp Á Đông rất thích hợp cho thơ. Tứ thơ thường đọng lại, cốt gợi hơn là tả...Từ cuối thế kỷ trước, thơ Pháp nhờ dòng "tượng trưng" đã gặp thơ Á Đông, ở chỗ uẩn khúc, huyền ảo...Theo đó, một bài thơ không nên được hiểu như một bài văn, một cách lộ liễu nhất định. Thơ phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời...Thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, không phải lúc nào cũng sáng sủa... Nó giữ phần sâu kín, giữ phần sâu sắc; không phải lúc nào cũng theo lý luận, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình…Vậy thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật: cõi Vô Cùng".
  • Thơ được đặt ngang hàng với Tình yêu, Tôn giáo. Và thơ chính là Đạo.

Nhóm Xuân Thu viết:

-"Thơ, Tình Yêu, Tôn Giáo đều nở bừng trong tuệ giác. Thi sĩ cùng cung bậc với giáo sĩ, với tình nhân. Mà một lời thơ, một lời cầu, một lời than đều là lời nói của Vô-Cùng, dấu hiệu của Tuyệt Đối".-"Thơ là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý sẽ sáng tạo được vạn vật, khi đã chia âm dương… Có thể viết thành cái vòng tròn tương sinh: ĐẠO ÂM +DƯƠNG -> SÁNG TẠO ->RUNG ĐỘNG -> THƠ -> ĐẠO".
  • Hình thức (câu thơ và cấu trúc) của bài thơ phải là độc đáo duy nhất.

Theo nhóm Xuân Thu, là thi sĩ nên tạo ra "cái-gì-chỉ có-một". Hãy "tìm những cách rung động mới, những lối diễn đạt mới, bao giờ cũng ở hàng tiên phong", để khi "đọc xong bài thơ, ta bị y nguyên những câu, những tiếng của toàn bài chi phối. Hình thể, cùng một lúc với hồn, sống mãi trong ta".

  • So sánh thơ với văn xuôi, với âm nhạc và hội họa. Theo nhóm Xuân Thu, thì:
-Thơ khác văn xuội ở chỗ "văn có tính cách giãi bày, thuộc lý trí, vụ ích lợi".-Thơ "có thể có trong âm nhạc, hội họa, trong kiến trúc nói rộng ra ở khắp ngành nghệ thuật, và cả trong đạo lý, trong hành động, một khi đã gạn lắng những cặn đục mà còn tinh hoa".

Ngoài ra, nhóm Xuân Thu còn có những lý giải về mối quan hệ giữa nhà thơ bạn đọc. Để bạn đọc biết được "cái rung động ấy, cái đầy đủ trác tuyệt của một bài thơ", ít ra "cũng phải lên dây cùng một cung bậc với thi sĩ". Có nghĩa "người đọc cũng phải có chất thơ, có cốt đàn, có nòi tình". Và theo họ, "thi sĩ làm xong một bài thơ có thể nói: Bản Đẹp chưa thành, vì còn chờ tác giả thứ hai: người đọc. Cảm xúc chuyển từ người thơ sang độc giả, hòa hợp hai lẽ siêu hình, con sông thơ lộng một trời mới. Người đọc phải là thi nhân, tái tạo vũ trụ bài thơ tạo ra". Từ góc độ tiếp nhận văn học, đây được gọi là hiện tượng đồng sáng tạo.